Tường nhà bị nứt không phải là hiện tượng hiếm gặp đối với nhiều gia đình. Vậy nguyên nhân là gì? Cách khắc phục tường nhà bị nứt như thế nào? Hãy cùng Kiến trúc An Hưng tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây để biết cách khắc phục hiện tượng nhà bị nứt nếu chẳng may gặp phải.
Các nguyên nhân khiến tường nhà bị nứt
Có nhiều nguyên nhân khiến tường nhà bị nứt, trong đó phải kể đến các nguyên nhân chính sau:
Tường nhà nứt do ảnh hưởng của thời tiết
Nước ta có khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên thời tiết hay biến đổi, nóng ẩm, mưa nhiều và khí lạnh đan xen. Khi thời tiết lạnh, tường bị co vào. Còn thời tiết nóng thì tường giãn ra. Sự co giãn đột ngột này sẽ làm tường không thích nghi kịp và xuất hiện các vết nứt.
Bên cạnh đó, nếu nhà thi công vào thời tiết nóng bức thì nước trong vật liệu bốc hơi nhanh làm cho quá trình co ngót diễn ra sớm hơn, gây ra hiện tượng nứt nhỏ ngang tường.
Tường nhà bị nứt do các biện pháp thi công không đảm bảo
Kỹ thuật trát không đảm bảo chất lượng, lớp vữa trát không đúng tỉ lệ, trát quá dày hoặc không đều tay có thể dẫn tới hiện tượng tường nhà bị nứt. Hoặc mới đổ bê tông đã trát ngay làm cho lớp vữa trát bên ngoài đã khô nhưng lớp vữa bên trong bị ngăn cản quá trình liên kết nên chưa khô, dẫn đến sự co ngót không đều và tường bị nứt.
Tường nhà bị nứt do nền móng bị lún
Nền đất yếu và nền móng xử lý không đủ tải trọng làm cho cột bị nghiêng, lún và các vết nứt xuất hiện trên tường, đặc biệt là ở giữa tường hoặc mép cửa sổ.
Tường nhà bị nứt do những tác động vật lý
Nếu bạn tác động một lực quá mạnh vào tường như dùng búa đập mạnh, đóng đinh vào tường, khoan tường… thì cũng có thể gây nứt tường. Vết nứt này thường xảy ra ở mép cửa, cánh cửa, khu vực đóng giá sách, kệ tủ, kệ bếp…
Bên cạnh đó, nước ta rất hay phải chịu những cơn bão với cường độ lớn. Những cơn bão này có thể làm cây đổ, đè vào nhà gây nứt tường.
Cách xử lý khi tường nhà bị nứt
Tường nhà bị nứt nhỏ sẽ chỉ làm mất đi tính thẩm mỹ của ngôi nhà. Nhưng nếu tường nứt lớn có thể xảy ra hiện tượng nước mưa ngấm vào nhà gây thấm dột, rêu mốc… Lâu dần nhà sẽ bị sụt lún, đứt gãy, nặng hơn là sập nhà. Vì thế, cần phải xử lý càng sớm càng tốt khi tường nhà bị nứt.
Tùy theo từng mức độ nứt của tường, bạn có thể áp dụng các phương pháp xử lý sau:
Cách xử lý đối với các vết nứt nhỏ
Tường xuất hiện các vết nứt nhỏ (dưới 3mm) chủ yếu là do kỹ thuật trát không đạt, lớp vữa trát quá mỏng, hồ trộn không đều, không đúng tỉ lệ… Đối với trường hợp này, chỉ cần làm theo bước sau:
- Bước 1: Đục lớp hồ cũ dọc theo rãnh khe nứt trên tường
- Bước 2: Vệ sinh sạch sẽ khu vực tường đã đục
- Bước 3: Dùng nước sạch làm ẩm tường
- Bước 4: Dùng vữa già, xi măng cát mịn trát lên vết nứt
- Bước 5: Sau 7 – 10 ngày, thực hiện bả và sơn hoàn thiện tường
Cách xử lý đối với các vết nứt lớn
Các vết nứt lớn thường lan rất nhanh, có thể làm khu vực tường xung quanh bị nứt theo. Vì thế, nếu gặp vết nứt lớn, bạn cần phải xử lý sớm bằng một trong những cách sau:
- Trám bằng keo Flex: Mở rộng miệng vết nứt, vệ sinh sạch sẽ rồi để khô. Sau đó dùng keo trám vết nứt và gạt phẳng. Khi keo khô thì mài nhẵn và sơn lại. Biện pháp này nên làm khi thời tiết dịu, không nắng gắt và áp dụng với các vết nứt có thể nứt tiếp.
- Trám vết nứt bằng vữa sửa chữa Monos: Làm sạch miệng vết nứt và tạo ẩm rồi dùng vữa sửa chữa Monos trát lại, làm phẳng. Sau khi lớp trát khô thì sơn lại. Chú ý áp dụng khi thời tiết dịu, không nắng gắt và áp dụng với vết nứt đã lâu, không còn nứt tiếp.
- Trám vết nứt bằng keo PU: Khoan lỗ, cắm kim bu lông chuyên dụng và trám kín. Sau đó, sử dụng máy bơm áp lực bơm keo từ dưới lên. Khi keo khô thì cắt kim và sơn lại. Biện pháp này áp dụng với vết nứt có thể nứt tiếp và cần khả năng chống thấm.
- Quét màng đàn hồi che vết nứt: Mài và vệ sinh sạch sẽ bề mặt tường. Sau đó, dùng lưới phù hợp với vật liệu tạo màng, quét/phun/lăn màng 2 lớp theo phương vuông góc. Khi lớp màng đã khô thì sơn lại. Bạn có thể áp dụng biện pháp này với các vết nứt có khả năng nứt tiếp.
Cách xử lý các vết nứt tường sâu
Tường thường bị nứt sâu do làm sai quy trình xây dựng hoặc kỹ thuật xây dựng không đúng. Vết nứt này có thể ảnh hưởng đến lớp gạch bên trong khiến cho lớp gạch này cũng bị nứt.
Đây là trường hợp nứt tường nghiêm trọng, khó có thể tự khắc phục. Vì thế, trong trường hợp này, bạn nên liên hệ với đội ngũ xây dựng chuyên sửa chữa nhà hoặc công ty chuyên xử lý nứt tường để có thể giải quyết vấn đề một cách triệt để và an toàn.
Cách xử lý vết nứt xuất hiện ở mép cửa sổ hoặc mép tường nhà
Nếu vết nứt xuất hiện ở mép cửa sổ hoặc mép tường nhà, bạn nên thuê thợ đục tường, lấy lanh tô ra và thay cây đà khác dài hơn. Đây chính là cách xử lý vết nứt có hiệu quả lâu dài.
Có trường hợp, gia chủ chỉ trám vữa vào vết nứt. Lúc đầu, vết nứt có thể biến mất nhưng sau một thời gian lại xuất hiện. Vì thế, đây chỉ là cách chữa cháy tạm thời, không thể sử dụng lâu dài được.
Cần gọi thợ đục tường, lấy lanh tô ra và thay cây đà khác dài hơn nếu gặp vết nứt ở mép cửa sổ
Trên đây là một vài nguyên nhân và giải pháp khắc phục tường nhà bị nứt. Tùy theo từng trường hợp mà bạn có thể tự xử lý vết nứt hoặc phải nhờ đến đội ngũ thi công, sửa chữa nhà cửa hỗ trợ.
Tuy nhiên, phương án tối ưu nhất là không để tình trạng này xảy ra bằng cách làm đúng làm chuẩn ngay từ khi thiết kế và thi công. Tính toán tải trọng ngôi nhà, tìm hiểu địa chất nền đất… để có phương án thi công tối ưu (nếu cần thiết phải tiến hành khoan khảo sát địa chất). Hồ sơ thiết kế chuẩn chỉ, thi công bài bản được kỹ sư chuyên môn giám sát chất lượng là giải pháp hiệu quả nhất tránh những hiện tượng lún, nứt, đổ, sập… của ngôi nhà.
Nếu quý vị có đủ thời gian cho việc theo dõi công trình thì không nhất thiết phải tìm đơn vị thi công trọn gói. Gia đình bạn hoàn toàn có thể tự quản lý, giám sát thi công bằng bộ hồ sơ thiết kế chi tiết và sự hỗ trợ của các kiến trúc sư thiết kế chuyên môn.
Mỗi công đoạn quan trọng, các Kỹ sư – kiến trúc sư của An Hưng đều có mặt tại công trình để giúp quý vị kiểm tra giám sát việc thực thi của nhà thầu thi công. Vì vậy, nếu muốn sở hữu một căn nhà hoàn hảo ngay từ đầu, không bị nứt tường gây mất tính thẩm mỹ hay đau đầu tìm giải pháp khắc phục, hãy liên hệ ngay với kiến trúc An Hưng.