Đối với các khu đô thị, mật độ xây dựng cao khiến cho việc ô nhiễm tiếng ồn đang ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của nhiều gia đình. Lúc này, tìm giải pháp cách âm cho nhà phố là điều cấp thiết hơn bao giờ hết. Vậy có những giải pháp nào giúp cách âm hiệu quả? Cùng chuyên gia của An Hưng tìm hiểu và áp dụng ngay các giải pháp sau đây!
Tiếng ồn và những tác động tiêu cực của tiếng ồn
TÓM TẮT
Có thể tạm định nghĩa tiếng ồn là tập hợp các âm thanh có tần số và cường độ khác nhau sắp xếp lộn xộn, gây ra cảm giác khó chịu cho người nghe.
Bản chất của tiếng ồn là sự rung động của âm thanh trong môi trường không khí, được đo bằng decibel (dB). Nếu cường độ âm thanh lên tới mức 80 – 90 dB là rất ồn. Riêng ở trong nhà, chỉ số tiếng ồn không được vượt quá 50 dB.
Tiếng ồn nhà phố thường được phát sinh từ nhiều nguồn:
- Nguồn gây tiếng ồn trong nhà: Các loại máy móc, trang thiết bị (tivi, máy giặt, máy nghe nhạc, dàn karaoke…), đường ống cấp thoát nước…
- Nguồn gây tiếng ồn bên ngoài nhà: Phương tiện giao thông, cửa hàng kinh doanh, công trình thi công, chợ…

Không chỉ đơn giản là âm thanh quá to khiến người nghe cảm thấy khó chịu, tiếng ồn còn gây ra những tác động tiêu cực như:
- Gây căng thẳng: Tiếng ồn có thể làm cho người nghe cảm thấy bực bội, ức chế tinh thần dẫn đến mất ngủ, mệt mỏi.
- Ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập và làm việc:
- Trẻ em phải tiếp xúc với quá nhiều tiếng ồn có thể ảnh hưởng đến việc phát triển các kỹ năng nghe, nói, tiếp thu bài học chậm hơn.
- Người lớn làm việc trong môi trường quá nhiều tiếng ồn sẽ giảm năng suất, khó làm việc tập trung…
- Giảm thính lực: Một loạt các tiếng ồn có độ lớn 85 dB tác động đến tai hơn 1 giờ mỗi ngày có thể làm các nhung mao ở xoắn tai bị tổn thương và dẫn đến hiện tượng giảm thính lực.
Chính vì tiếng ồn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như trên nên chúng ta cần có biện pháp giảm tiếng ồn một cách hiệu quả.
Các giải pháp cách âm cho nhà phố
Để giảm tiếng ồn cho nhà phố, bạn cần phải tìm ra giải pháp để ngăn âm thanh truyền qua không khí vào không gian sống của bạn.
Hiện nay các giải pháp như: lắp trần thạch cao, ốp tường bằng vật liệu xốp, trải thảm sàn… thực chất chỉ làm tiêu âm đối với âm thanh phát ra trong nhà và không thực sự hiệu quả.
Để có thể giảm tiếng ồn tốt hơn, bạn nên áp dụng các giải pháp cách âm khoa học ngay từ khi thiết kế, xây dựng, sửa chữa nhà cửa. Dưới đây là những giải pháp cách âm mà kiến trúc An Hưng đã áp dụng trong các thiết kế của mình, mời quý vị cùng tham khảo:
Cách âm cho cửa
Hệ thống cửa chính là nơi truyền âm thanh từ bên ngoài vào dễ dàng nhất. Vì thế, bạn cần áp dụng các biện pháp cách âm cho từng loại cửa như sau:
- Đối với cửa ra vào:
- Nếu sử dụng cửa gỗ, quý vị nên làm dày dặn hoặc làm 2 lớp cửa (lớp ngoài pano gỗ – lớp trong pano kính) để tăng cường hiệu quả cách âm.
- Thiết kế thêm không gian đệm như tiền sảnh, sảnh đón, phòng chờ…
- Đối với cửa sổ:
- Sử dụng loại cửa kính 2 lớp chân không
- Sử dụng cửa gỗ bên ngoài, cửa kính cách âm bên trong
- Đối với các cửa phụ ra vào trong căn nhà: Có thể sử dụng các loại cửa gỗ tự nhiên hoặc cửa gỗ công nghiệp bằng ván ép nhân tạo nhưng có độ dày thích hợp.
Bên cạnh đó, bạn cũng nên áp dụng các biện pháp sau để giảm tiếng ồn đi qua tất cả các loại cửa:
- Xác định và xử lý tất cả các khe hở của hệ thống cửa để âm thanh không thể lọt qua các khe hở này: sử dụng gioăng cao su, bơm silicon kín…
- Tránh bố trí các cửa đối diện nhau để hạn chế âm thanh truyền qua lại giữa các phòng gây ra hiện tượng cộng hưởng âm thanh làm cho không gian trong nhà càng ồn ào hơn.

Cách âm cho mái nhà và trần nhà
Bên cạnh hệ thống cửa, bạn cũng nên chú ý biện pháp cách âm cho mái và trần nhà bằng các biện pháp sau:
- Sử dụng mái ngói thay cho mái tôn để giảm tiếng ồn cho mái nhà: Mái ngói được làm từ đất nung, đá. Còn mái tôn được làm từ tôn (kim loại). Vì thế, mái ngói bao giờ cũng có khả năng cách âm cao hơn mái tôn.
- Làm trần bằng thạch cao hoặc các ván ép công nghiệp để cách âm cho trần: Thạch cao, ván ép công nghiệp có khả năng cách âm hiệu quả. Khi sử dụng trần thạch cao, bạn nên tạo ra khoảng không với trần nhà gốc (trần bê tông) và trần thạch cao phải kín, không có khe hở để hạn chế việc truyền âm thanh. Có ba cách thiết kế như sau:
- Làm 2 lớp tấm thạch cao hai bên hệ khung và ở giữa là vật liệu cách âm.
- Sử dụng kết cấu không liên tục: đặt hệ khung đôi hoặc hệ khung so le.
- Trần thạch cao gồm các khoang rỗng hoặc các tấm trần có lỗ thông, lõi bằng sợi thủy tinh để tiếng ồn thoát đi và không lọt vào phòng.
Nên sử dụng mái ngói cho biệt thự phố để tăng khả năng cách âm

Cách âm cho sàn nhà
Để cách âm cho sàn nhà, bạn có thể áp dụng ba cách sau:
- Lát sàn nhà bằng gỗ: Khi lắp sàn gỗ, người ta thường lót thêm một lớp mút bên dưới. Lớp mút này kết hợp với các khe hở của khung sàn gỗ sẽ giúp tiêu âm, ngăn ngừa tiếng ồn và tạo ra sự êm ái khi đi lại.
- Sử dụng thảm cách âm bằng lông, len để giảm âm thanh của tiếng bước chân trong nhà.
- Tạo ra một khoảng không nhất định giữa mặt sàn và kết cấu khung thép của nhà ngay từ khi thi công để làm gián đoạn âm thanh.

Thiết kế thêm vách phụ
Ngoài ra, nếu ngôi nhà đã xây dựng xong, bạn vẫn có thể cách âm bằng cách tạo thêm vách phụ ở phía tường có nguồn phát ra tiếng ồn. Nếu áp dụng giải pháp này, bạn có thể thiết kế thêm vách phụ theo một trong hai cách sau:
Cách 1:
- Bước 1: Dùng hệ khung V-Wall 75/76 ốp cách tường khoảng 50 – 100mm
- Bước 2: Chèn một lớp bông thuỷ tinh phủ bạc tỷ trọng 40kg/m3 giúp tăng hiệu quả cách âm, cách nhiệt
- Bước 3: Gắn 2 lớp tấm thạch cao tiêu chuẩn 12,7mm ở bên ngoài khung
Cách 2:
- Bước 1: Tạo vách bằng 1 lớp khung V-Wall 75/76, 1 lớp bông thủy tinh phủ bạc tỷ trọng 40kg/m3, 2 lớp tấm DURAflex kích thước 6mm và 8mm ốp trên 1 mặt.
- Bước 2: Khi lắp tấm, để 2 mép tấm cách nhau 3 – 5mm. Sau đó, dùng bột xử lý mối nối tấm DURAflex, bang giấy để xử lý mối nối giữa 2 tấm.
- Bước 3: Sơn nước hoặc dùng giấy dán tường trang trí bề mặt vách.

Cách âm cho tường
Bên cạnh các giải pháp trên, bạn có thể cách âm cho tường ngay trong quá trình thiết kế thi công bằng các cách sau:
- Sử dụng vật liệu dày trên 20cm bằng gỗ đặc, vữa thạch cao…
- Sử dụng gạch rỗng xây tường nhà: Gạch rỗng có lỗ thoát khí nên khả năng cách âm cao hơn gạch đặc.
- Trát vữa dày hoặc ốp ván phía tường bao, còn mặt trong nhà bố trí lớp xốp hoặc ốp tấm thạch cao để cách nhiệt, chống ồn.
- Đặt thêm các đồ nội thất như tủ tường, tủ sách lớn, tủ chứa đồ… sát bức tường gần với nguồn phát ra tiếng ồn nhất để giảm sự truyền âm qua không khí.

Ngoài ra, bạn cũng có thể trồng thêm cây ở phía nguồn xảy ra tiếng ồn để giảm tạp âm. Tốt nhất là trồng cây bụi vì cây bụi có khả năng giảm tiếng ồn tốt hơn cây to.
Trên đây là các giải pháp cách âm, giảm tiếng ồn hiệu quả mà các kiến trúc sư An Hưng đã tìm hiểu và ứng dụng vào các thiết kế. Để có thể giảm tiếng ồn hiệu quả nhất và phù hợp với căn nhà của bạn, hãy nghiên cứu và có biện pháp xử lý ngay từ khâu thiết kế, thi công xây dựng công trình.
Mỗi giải pháp có những ưu nhược điểm nhất định, vì vậy để tìm ra phương án tối ưu nhất cho trường hợp cụ thể của gia đình mình, quý vị hãy liên hệ với các chuyên gia nhờ họ đưa ra các lời giải khác nhau cho bài toán nhiều điều kiện của mình một cách tốt nhất.