Diện tích xây dựng sẽ ảnh hưởng lớn đến công năng sử dụng, suất đầu tư và đặc biệt là quyết định mật độ xây dựng của công trình. Vì thế, bất kì ai trước khi xây nhà cũng quan tâm đến diện tích xây dựng. Hiểu được vị trí, vai trò quan trọng của diện tích xây dựng đặc biệt là trong cấp phép xây dựng, trong bài viết dưới đây, kiến trúc An Hưng xin giới thiệu những vấn đề liên quan đến diện tích xây dựng và cách tính diện tích xây dựng chuẩn để quý vị tham khảo.
Diện tích xây dựng là gì?
TÓM TẮT
Diện tích xây dựng là diện tích sở hữu của công trình (bao gồm cả tường bao, cột sảnh) được tính từ mép ngoài tường, ngoài cột bên này đến mép ngoài tường, ngoài cột bên kia và đơn vị tính là m2. Diện tích này bao gồm nhiều loại diện tích khác nhau như diện tích sử dụng, diện tích ở, diện tích tim tường, diện tích thông thủy, diện tích phụ.
Thông số diện tích này thường được ghi rõ trong giấy phép xây dựng và được cấp có thẩm quyền duyệt trong quy hoạch của các đô thị. Đây cũng chính là căn cứ để các cấp quản lý tính mật độ xây dựng của khu vực đó.
Tìm hiểu các loại diện tích trong xây dựng
Khi thiết kế, xây dựng nhà ở, ngoài diện tích xây dựng, chúng ta còn cần quan tâm đến nhiều diện tích khác như diện tích sàn xây dựng, diện tích thông thủy, diện tích tim tường, diện tích các phòng, diện tích ở, tổng diện tích sàn xây dựng.
Diện tích sàn xây dựng
Diện tích sàn xây dựng là diện tích sàn của tất cả các tầng cộng lại (bao gồm cả ban công). Nói cách khác, diện tích sàn xây dựng là diện tích sàn sử dụng cộng với diện tích phần khác như móng, tầng hầm, sân phơi sân chơi trên mái. Đây chính là căn cứ để gia chủ có thể lên bản dự toán xây dựng cho cả công trình và chuẩn bị trước về tài chính,
Diện tích thông thủy
“Thông” là thông thoáng, “thủy” là nước. “Thông thủy” là nơi nước có thể chảy dễ dàng mà không gặp sự cản trở. Vì thế, có thể hiểu diện tích thông thủy là diện tích mà nước có thể lan tỏa trong công trình xây dựng.
Ở nước ngoài, diện tích thông thủy còn được gọi là diện tích trải thảm (carpet area). Điều đó có nghĩa là ở đâu có thể trải thảm được thì ở đó sẽ được đo để tính kích thước thông thủy.
Diện tích thông thủy bao gồm cả phần diện tích ban công, lô gia (nếu có) và diện tích tường ngăn các phòng bên trong nhà. Diện tích ban công là toàn bộ diện tích sàn của ban công đó. Nếu ban công hai căn nhà có diện tích tường chung thì diện tích ban công sẽ được tính từ mép bên trong của tường chung.
Tuy nhiên diện tích thông thủy không bao gồm diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật bên trong nhà; tường bao căn nhà, tường phân chia căn hộ (nếu là căn hộ chung cư).
Diện tích thông thủy còn được gọi là diện tích sử dụng. Đây là căn cứ để người mua nhà có thể tính toán được chi phí cho phần diện tích có thể sử dụng.
Diện tích tim tường
Nếu muốn tính diện tích tim tường người ta cần đo từ tim tường ra. Khác với diện tích thông thủy, diện tích tim tường sẽ bao gồm cả tường phân chia các căn hộ, tường bao ngôi nhà, diện tích sàn có cột, hộp kỹ thuật bên trong ngôi nhà, diện tích đậm đặc ở phía trong tường (diện tích tủ, giường, kệ tivi… bên trong tường không phải chịu lực).
Diện tích tim tường là căn cứ để xác định diện tích xây dựng của các căn hộ chung cư. Hay nói cách khác, trong các căn hộ chung cư, diện tích tim tường chính là diện tích xây dựng. Đây cũng là cơ sở để xác định quyền sở hữu nhà ở, hạn chế tranh chấp trong quá trình thi công, sử dụng .
Nhiều người cho rằng nếu tính diện tích thông thủy thì việc phân chia quyền sở hữu hợp lý và có lợi hơn. Thực tế cho thấy,khoảng không gian đậm đặc trong các bức tường nhiều khi vẫn được sử dụng. Đặc biệt, ở các bức tường ngăn cách các căn hộ mà không cần chịu lực, nhiều người khoét lõm tường vào để gắn phù điêu trang trí và đưa các kết cấu để nâng đỡ giàn, tủ và các thiết kế phụ trợ khác cho căn hộ. Vì thế, tính diện tích theo tim tường mới có thể phân rõ được ranh giới sở hữu đất, tránh tranh chấp.
Diện tích các phòng
Diện tích các phòng là phần diện tích ở bên trong các phòng, được tính từ mép trong tường bên này đến mép trong tường bên kia.
Diện tích ở
Diện tích ở là diện tích của các phòng dùng để ở cộng lại, bao gồm cả tủ tường, diện tích dưới gầm cầu thang trong nhà.
Tổng diện tích sàn xây dựng
Tổng diện tích sàn xây dựng diện tích của các sàn mỗi tầng cộng lại nhưng không bao gồm diện tích hành lang giao thông nối các khối nhà, diện tích để ô tô, xe máy ngoài nhà, sân vườn trên không nối các khối nhà.
Tổng diện tích sàn xây dựng chính là căn cứ để gia chủ có thể tính hệ số sử dụng đất.
Cách tính diện tích xây dựng
Một công trình thường bao gồm nhiều hạng mục. Mỗi hạng mục này có cách tính diện tích khác nhau. Cụ thể như sau:
Loại diện tích |
Cách tính |
Diện tích móng |
50 – 75% diện tích một sàn theo đơn giá xây thô |
Diện tích sàn mỗi tầng |
100% diện tích giọt gianh mái tầng đó hoặc sàn tầng kế tiếp |
Diện tích bể nước, bể phốt |
60 – 75% diện tích mặt bằng một sàn theo đơn giá xây thô hoặc tính theo thể tích phủ bì của bể |
Diện tích mái |
– Mái xà gồ – lito lợp ngói (Phía trên xây tường thu hồi, làm xà gồ – lito dán ngói; bên dưới làm trần giả): 100% diện tích mặt sàn hoặc 75% mặt sàn + toàn bộ phần xà gồ lito và ngói phía trên – Mái đổ sàn bê tông rồi lợp ngói: 150% diện tích mặt sàn hoặc tính theo diện tích mái |
Diện tích sân thượng |
– Sân thượng có dàn lam bê tông, sắt trang trí (dàn phẹc – pelgolas) và sân thượng có mái che: 75% diện tích mặt bằng sàn – Sân thượng, ban công không có mái che: 50% diện tích mặt bằng sàn |
Diện tích lô gia |
100% diện tích |
Trên đây là các thông tin về diện tích xây dựng, các loại diện tích mà gia chủ cần biết trước khi xây dựng nhà cửa và cách tính diện tích xây dựng cho nhiều hạng mục khác nhau của ngôi nhà. Hy vọng những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu hơn về các loại diện tích trong xây dựng và có thể lập được bản dự trù kinh phí sát nhất với công trình của mình giúp chuẩn bị trước tài chính tốt nhất.
Trong quá trình làm việc, có gì chưa rõ về các loại diện tích trong xây dựng cũng như cách tính, bạn có thể liên hệ với các kiến trúc sư An Hưng, chúng tôi sẽ giúp quý vị giải đáp một cách cụ thể chi tiết cho công trình nhà mình.