Giấy phép xây dựng là một loại giấy tờ cần thiết mà chủ đầu tư cần có trước khi xây dựng công trình. Tuy nhiên, vì không hiểu rõ quy định của pháp luật nhiều chủ đầu tư không xin giấy phép xây dựng nên gây ảnh hưởng lớn tới việc quản lý quy hoạch. Lúc đó, chủ đầu tư mới thắc mắc không xin phép xây dựng bị phạt bao nhiêu?
Các trường hợp xây nhà, công trình không cần xin phép
TÓM TẮT
Trước khi khởi công, các công trình xây dựng đều phải có giấy phép xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp, trừ một số trường hợp được quy định tại Khoản 2, Điều 89, Luật Xây dựng (2014). Cụ thể là các trường hợp sau:
“2. Công trình được miễn giấy phép xây dựng gồm:
a) Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp và công trình nằm trên địa bàn của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên;
b) Công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư;
c) Công trình xây dựng tạm phục vụ thi công xây dựng công trình chính;
d) Công trình xây dựng theo tuyến ngoài đô thị nhưng phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về hướng tuyến công trình;
đ) Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng theo quy định của Luật này;
e) Nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển nhà ở có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sàn dưới 500m2 có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
g) Công trình sửa chữa, cải tạo, lắp đặt thiết bị bên trong công trình không làm thay đổi kết cấu chịu lực, không làm thay đổi công năng sử dụng, không làm ảnh hưởng tới môi trường, an toàn công trình;
h) Công trình sửa chữa, cải tạo làm thay đổi kiến trúc mặt ngoài không tiếp giáp với đường trong đô thị có yêu cầu về quản lý kiến trúc;
i) Công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn chỉ yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng và ở khu vực chưa có quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn được duyệt;
k) Công trình xây dựng ở nông thôn thuộc khu vực chưa có quy hoạch phát triển đô thị và quy hoạch chi tiết xây dựng được duyệt; nhà ở riêng lẻ ở nông thôn, trừ nhà ở riêng lẻ xây dựng trong khu bảo tồn, khu di tích lịch sử – văn hóa;
l) Chủ đầu tư xây dựng công trình được miễn giấy phép xây dựng theo quy định tại các điểm b, d, đ và i khoản này có trách nhiệm thông báo thời điểm khởi công xây dựng kèm theo hồ sơ thiết kế xây dựng đến cơ quan quản lý xây dựng tại địa phương để theo dõi, lưu hồ sơ.”
Như vậy, tùy từng loại nhà, địa điểm và quy mô xây dựng mà chủ đầu tư cần xin giấy phép xây dựng hoặc không.
Quy định xử phạt dành cho công trình không xin giấy phép
Nếu không nằm trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng nhưng vẫn không xin giấy phép xây dựng trước khi thi công, chủ đầu tư sẽ bị phạt.
Các hình thức phạt được quy định rõ trong Khoản 1 và 2, Điều 3, Nghị định 139/2017/NĐ-CP như sau:
“1. Hình thức xử phạt chính:
a) Cảnh cáo;
b) Phạt tiền.
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ năng lực, chứng chỉ hành nghề hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 03 tháng đến 24 tháng.”
Mức xử phạt khi xây dựng không xin giấy phép xây dựng là bao nhiêu?
Không phải tất cả các công trình xây dựng khi không có giấy phép đều bị phạt như nhau. Tùy theo mức độ vi phạm nhẹ hay nặng mà cơ quan Nhà nước sẽ có mức xử phạt phù hợp.
Xử phạt vi phạm xây dựng lần đầu
Theo quy định tại Khoản 5, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP, mức phạt dành cho các công trình vi phạm xây dựng lần đầu như sau:
-
Nhà ở riêng lẻ trong khu di tích lịch sử – văn hóa, khu bảo tồn hoặc các công trình xây dựng khác (trừ trường hợp nhà ở riêng lẻ trong khu đô thị, công trình được yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng/báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng) không có giấy phép xây dựng, xây nhà không phép, trái phép, bị phạt tiền từ 10 – 20 triệu.
-
Nhà ở riêng lẻ trong đô thị không có giấy phép xây dựng, xây nhà không phép, trái phép, bị phạt tiền từ 20 – 30 triệu.
-
Công trình được yêu cầu lập dự án đầu tư xây dựng/báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng không có giấy phép xây dựng, xây nhà không phép, trái phép, bị phạt 30 – 50 triệu.
Xử phạt khi tái phạm và có biên bản vi phạm xây dựng không phép
Nếu công trình đã xây dựng không có giấy phép, xây nhà không phép, trái phép và bị lập biên bản vi phạm hành chính theo Khoản 5, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP mà vẫn tiếp tục tái phạm thì sẽ bị phạt. Mức phạt cụ thể như sau:
-
Nhà ở riêng lẻ trong khu di tích lịch sử – văn hóa, khu bảo tồn hoặc các công trình xây dựng khác (nhà ở riêng lẻ trong khu đô thị, công trình được yêu cầu phải lập dự án đầu tư xây dựng/báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng), trừ trường hợp được quy định tại Khoản 7, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP: Phạt 5 – 10 triệu. Nếu tái phạm, phạt 10 – 20 triệu.
-
Nhà ở riêng lẻ trong đô thị: Phạt 35 – 40 triệu đồng. Nếu tái phạm, phạt 70 – 80 triệu.
-
Công trình được yêu cầu lập dự án đầu tư xây dựng/báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng hoặc công trình thuộc khoản 7, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP: Phạt 300 – 350 triệu. Nếu tái phạm, phạt 950 triệu – 1 tỷ.
Các công trình thuộc khoản 7, Điều 15, Nghị định 139/2017/NĐ-CP gồm có:
“a) Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt;
b) Xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng;
c) Xây dựng công trình sai cốt xây dựng;
d) Xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông (trừ trường hợp quy định tại Nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt), thủy lợi, đê điều, năng lượng, khu di tích lịch sử – văn hóa và khu vực bảo vệ công trình khác theo quy định của pháp luật; xây dựng công trình ở khu vực đã được cảnh báo về nguy cơ lở đất, lũ quét, lũ ống (trừ trường hợp xây dựng công trình để khắc phục những hiện tượng này);
đ) Xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.”
Bên cạnh đó, nếu xây dựng sai phép và có hành vi tái phạm, công trình sẽ bị tước giấy phép xây dựng trong thời hạn 12 tháng.
Như vậy, trừ một số trường hợp được miễn giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật, tất cả các công trình đều cần có giấy phép xây dựng trước khi khởi công. Nếu không có giấy phép xây dựng theo quy định, chủ đầu tư sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, tước quyền sử dụng giấy phép… tùy theo mức độ vi phạm. Vì thế, các chủ đầu tư cần chuẩn bị trước giấy phép trước khi xây dựng, tránh vi phạm các quy định nhà nước.
Là một đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề, kiến trúc An Hưng chẳng những thông hiểu kiến trúc mà còn am hiểu các kiến thức pháp luật có liên quan. Vì thế, trong quá trình thiết kế, xây dựng, nếu có gì không hiểu về giấy phép xây dựng và các loại giấy tờ khác, quý vị có thể tham vấn ý kiến từ kiến trúc An Hưng. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ quý vị giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến vấn đề xây dựng một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất.