Hiện nay, những ngôi nhà có tầng hầm xuất hiện ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu của các chủ đầu tư. Vậy tầng hầm mang lại lợi ích gì, chi phí xây có cao không? Cần lưu ý điều gì khi thiết kế và thi công? Tất cả những điều này sẽ được kiến trúc An Hưng giải đáp trong bài viết dưới đây để các gia chủ hiểu hơn về kiểu nhà này và có quyết định cho riêng mình.
Tầng hầm và tầng bán hầm là gì?
TÓM TẮT
Tầng hầm là tầng có hơn một nửa chiều cao nằm dưới mặt đất, thậm chí có thể nằm hoàn toàn trong lòng đất và mặt bằng tầng trệt ngang với vỉa hè nên khá tối.
Còn tầng bán hầm là tầng có một nửa chiều cao nằm trên mặt đất hoặc ngang với cốt mặt đất nên nhìn thấy khá rõ, sáng và thông thoáng hơn tầng hầm.
3 lợi ích của tầng hầm
Không chỉ đơn giản là một tầng để sử dụng, tầng hầm mang đến cho gia chủ khá nhiều lợi ích. Dưới đây là 3 lợi ích chính:
- Giúp tăng diện tích sàn sử dụng: Đối với những công trình bị hạn chế về chiều cao thì tầng hầm sẽ giúp tăng diện tích sàn sử dụng. Tại tầng hầm, gia chủ có thể bố trí thêm nhiều không gian tiện ích khác như: phòng karaoke, phòng giải trí, kho, hầm rượu, phòng kỹ thuật (lò sưởi, hệ thống phân phối điện)…
- Thiết kế làm gara ô tô: Gia chủ có thể khai thác tầng hầm, tầng bán hầm để làm gara xe mà không cần xây dựng gara ngoài trời. Quỹ đất còn thừa sẽ dành cho sân vườn và cảnh quan để mang đến không gian xanh cho ngôi nhà.
- Tăng tính thẩm mỹ: Nhìn từ bên ngoài, tầng hầm sẽ tạo thành một khối chân đế vững chãi, giúp tôn dáng và làm cho công trình thêm bề thế. Hơn nữa, nhờ tầng hầm ngôi nhà được nâng cao nên thông thoáng, chống ẩm tốt và nhận nhiều ánh sáng và luồng gió tự nhiên hơn.
Với những lợi ích nêu trên có thể thấy thiết kế tầng hầm phù hợp với các công trình kinh doanh công cộng như nhà hàng, văn phòng, khách sạn, căn hộ… Còn đối với biệt thự, nhà phố, tuỳ vào khả năng tài chính và nhu cầu sử dụng thực tế mà gia chủ có thể lựa chọn xây tầng hầm hoặc không.
Chi phí xây dựng tầng hầm
Thi công tầng hầm đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao, từ việc đào, gia cố chống sụt lún, đổ bê tông vách tường… đến chống thấm. Vì thế, chi phí thi công xây dựng 1 tầng hầm thường tốn kém hơn xây 1 tầng nổi thông thường khoảng 1,5 – 2 lần.
Dưới đây là một vài gợi ý về cách tính chi phí xây dựng tầng hầm dựa trên độ sâu của tầng hầm so với cote vỉa hè:
- Độ sâu dưới 1,2m: Đơn giá xây dựng phần thô nhân với 130% diện tích sàn.
- Độ sâu 1,2 – 1,8 m: Đơn giá xây dựng phần thô nhân với 150% diện tích sàn.
- Độ sâu 1,8 – 2,5 m: Đơn giá xây dựng phần thô nhân với 170% diện tích sàn.
- Độ sâu trên 2,5m: Đơn giá xây dựng phần thô nhân với 200 – 250% diện tích sàn.
Những lưu ý quan trọng khi thiết kế, thi công tầng hầm
Không giống như xây tầng nổi thông thường, khi thiết kế và thi công tầng hầm, bạn cần lưu ý nhiều đến biện pháp thi công đào đất – gia cố nền móng, biện pháp chống thấm… và các yếu tố kỹ thuật hơn.
Biện pháp thi công đào đất tầng hầm
Thi công đào đất tầng hầm khá phức tạp vì thế khi thiết kế, thi công cần đặc biệt chú ý. Bạn không chỉ phải đào bằng chiều sâu của tầng hầm mà còn phải đào thêm cả chiều sâu của móng.
Vì thế, chiều sâu đào đất khá lớn, lượng đất đào tương đối sâu và rộng. Nếu bạn không tính toán chi tiết và cẩn thận sẽ gây ảnh hướng lớn đến căn nhà và các công trình xung quanh.
Tùy theo tính chất, nền đất, mặt bằng, vị trí xây dựng mà bạn có thể chọn biện pháp thi công đào đất tầng hầm phù hợp:
- Đối với các căn nhà có mặt bằng rộng, nằm ở giữa khuôn đất (ví dụ như biệt thự ở nông thôn): Dùng phương pháp ván ép định hình.
- Đối với biệt thự và nhà phố được xây trên nền đất tốt: Dùng biện pháp đào đến đâu đặt gạch đến đó.
- Đối với nhà phố, công trình xây trên nền đất yếu: Dùng hệ tường vây quanh khu đất. Hệ tường này làm bằng cọc khoan nhồi 300 – 400, các cọc cách nhau vài tấc. Trên đầu cọc sử dụng đà giằng để liên kết các cọc lại với nhau và có hệ giằng chống. Giằng cọc vây trong quá trình đào đất thường được làm bằng thép hình chữ L hoặc chữ H.
Biện pháp chống thấm cho nhà biệt thự có tầng hầm
Tầng hầm thường nằm một phần hoặc nằm cả dưới lòng đất. Vì thế, rất dễ bị ảnh hưởng từ lượng nước ngầm thường xuyên ở dưới và lượng nước ngầm không thường xuyên xung quanh (nước sông dâng lên vào mùa mưa, nước mưa nhiều, lũ lụt…).
Để khắc phục tình trạng này, bạn cần có biện pháp chống thấm cho tầng hầm. Về cơ bản, hiện có hai biện pháp là:
Biện pháp chống thấm chủ động cho tầng hầm
Chống thấm chủ động là biện pháp chống thấm thực hiện từ phía nước ngầm. Biện pháp này được áp dụng khi bạn có điều kiện đào móng xung quanh và thi công từ đáy móng trở lên. Lúc này, bạn sẽ đào đất từ cao độ của đáy móng rồi thực hiện chống thấm từ dưới lên trên, từ ngoài vào trong.
Giải pháp thiết kế
- Tường tầng hầm: Bao gồm các lớp sau:
- Lớp ốp, trát trong
- Bê tông thường
- Lớp trát vữa xi măng cát có tác dụng chống thấm
- Lớp sơn chống thấm
- Lớp đất sét dẻo có độ dày 15 – 20 cm được đầm chặt
- Lớp đất đắp pha cát.
- Lớp chống thấm ở nền: Tính từ dưới lên trên sẽ bao gồm các lớp sau:
- Lớp bê tông lót mác 100 không bắt buộc phải ngăn thấm nước ngầm.
- Lớp láng vữa xi măng có tác dụng chống thấm.
- Lớp sơn chống thấm.
- Lớp cao su có độ dày 3 – 5 cm.
Yêu cầu thi công
- Bê tông tường và nền: Phải được đầm kỹ
- Bê tông tường: Cần đổ theo lớp với chiều cao tối đa là 50cm, cuốn dần lên. Mỗi vòng quay tối đa là 1 tiếng vào mùa hè và 2 tiếng vào mùa đông. Tránh để sỏi đá đổ dồn xuống dưới mỗi lớp đổ vì nếu đổ dồn xuống gây rỗ bê tông.
- Bê tông nền: Áp dụng phương pháp đầm lại để tăng độ chặt.
- Lớp trát, láng vữa xi măng chống thấm: Làm liên tục, không dừng lại. Nếu bị dừng phải xử lý kỹ chỗ giáp lại. Tường thì có thể đánh màu khô nhưng nền bê tông cần đánh màu trước.
- Lớp sơn chống thấm: Đảm bảo đúng độ dày như trong thiết kế, mặt lớp sơn không có khuyết điểm.
- Lớp đất sét dẻo: Đắp chặt chẽ từng lớp theo chiều cao của tường và phải đủ chặt, đảm bảo ngăn được nước chảy dồn thấm
- Lớp đất đắp: Dùng đất hoặc đất pha cát đầm chặt và thi công nhẹ nhàng để không làm hư hại lớp đất sét mới đắp.
Biện pháp chống thấm bị động
Chống thấm bị động là biện pháp chống thấm ngược. Với biện pháp này, nước có thể thấm qua nền, tường bê tông và bơm lên hệ thống thoát nước công cộng. Biện pháp này thường được áp dụng đối với các căn nhà thi công trong điều kiện chật hẹp, ví dụ như nhà phố phải xây tường trước khi đào đất.
Giải pháp thiết kế
- Nguyên tắc: Nước ngầm thấm qua nền bê tông, tường thông qua hệ thống sàn rỗng đi tới rãnh thu nước rồi dẫn ra hố thu và bơm lên hệ thống thoát nước công cộng.
- Cách thiết kế:
- Tường gạch được xây trực tiếp trên nền bê tông. Khoảng cách giữa tường gạch và tường bê tông trong đất là 15 – 20 cm.
- Khu vực giáp ranh giữa nền bê tông và tường bê tông trong đất có bang chắn nước mềm. Bang chắn này có tác dụng ngăn chặn nước ngầm theo khe tiếp giáp thấm lên. Bên cạnh đó, khe tiếp giáp này còn được lắp chặt bằng cách phun ép hồ xi măng.
- Phía trên sàn rỗng có thể được đổ một lớp bê tông chống thấm có độ dày khoảng 6 – 8 cm.
Yêu cầu thi công:
- Đổ bê tông nền: Khi đổ bê tông nền, cần đầm lại để tăng khả năng chống thấm cho bê tông. Tại nơi giáp ranh giữa nền và tường bê tông, đặt vật cách nước để bê tông nền có thể “ngậm” bê tông tường trong đất khoảng 10cm. Sau khi đổ bê tông nền xong, phun ép hồ xi măng tại khe giáp ranh giữa nền và tường bê tông. Sau đó mới làm các phần trên nền.
- Kiểm tra nền: Sau khi đổ bê tông nền, cần kiểm tra xem nền có bị thấm nước chảy dòng không. Nếu nền bị thấm, phải khoan phụt hồ xi măng nở. Điều này sẽ giúp cho nền bê tông không thấm hoặc thấm ẩm. Khi nền bê tông không thấm mới làm sàn rỗng phía trên.
- Sàn rỗng: Cần có độ dốc nền để dẫn nước đã thấm ra rãnh thu nước. Lớp bê tông chống thấm phía trên khi thi công phải được đầm lại.
- Xây tường tầng hầm: Trước khi xây tường, cần kiểm tra xem bê tông trong đất có bị thấm chảy dòng không. Nếu có, phải khoan phụt hồ xi măng nở như nền cho tường không thấm hoặc thấm ẩm rồi mới xây tường gạch.
Một số lưu ý về mặt kỹ thuật khác
Bên cạnh các biện pháp thi công đào đất, chống thấm, khi xây tầng hầm bạn cũng cần đảm bảo các yếu tố kỹ thuật sau:
- Khoảng cách giữa đường xuống hầm (ram dốc) và ranh lộ giới ít nhất là 3m.
- Chiều dài nhà không được ngắn quá vì nếu quá ngắn sẽ khó làm ram dốc.
- Cần xem xét việc làm ram dốc chỉ để xe máy hay cả ô tô để cân đối cho phù hợp
- Độ dốc tầng hầm bình thường là 12%. Với những căn nhà phố không có sân và sát mặt đường, độ dốc tầng hầm có thể lên tới 20 – 25%, nghĩa là cứ đi vào 1m chiều dài trong hầm thì nền sẽ thấp xuống 25cm. Tuy nhiên, hạn chế làm độ dốc hầm trên 20%.
- Chú trọng đến kết cấu, giải pháp ánh sáng và thông khí của tầng hầm để ngôi nhà luôn cân đối, thông thoáng và đem lại cảm giác thoải mái.
- Nếu diện tích đất xây dựng nhỏ, cần cân nhắc việc xây dựng tầng hầm. Vì nếu diện tích tầng hầm nhỏ thì ram dốc và các công trình phụ đã chiếm gần hết diện tích. Chi phí bỏ ra xây dựng tầng hầm khá lớn mà hiệu suất khai thác không nhiều gây tốn kém, lãng phí tiền bạc.
Lựa chọn đơn vị thiết kế, thi công có chuyên môn tốt và nhiều kinh nghiệm
Nhìn chung, thiết kế, xây dựng tầng hầm cần có kiến thức chuyên môn và đội ngũ thi công chuyên nghiệp để đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật được thực thi một cách chuẩn chỉ nhất.
Với hàng chục căn biệt thự có hầm, các công trình nhà hàng – khách sạn đã thiết kế và thi công hoàn thiện, bằng kiến thức chuyên môn của các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, quy trình thi công bài bản được giám sát chặt chẽ của kỹ sư chất lượng công trình, các sản phẩm hoàn thiện của chúng tôi luôn đạt tiêu chuẩn cao về thẩm mỹ và tính thích dụng.
Chúng tôi, bằng công trình thực tế, bằng việc làm cụ thể, bằng kiến thức chuyên gia để khẳng định vị thế số 1 của mình trong lĩnh vực tư vấn thiết kế và thi công trọn gói. An Hưng xin dẫn ra một vài hình ảnh để quý vị tham khảo.
Tham khảo một số mẫu biệt thự có tầng hầm HOT nhất hiện nay
Một số hình ảnh biệt thự có hầm do kiến trúc sư An Hưng thiết kế và thi công hoàn thiện:
Phía bên ngoài tầng hầm được ốp đá rối màu xám ghi đẹp mắt tạo thành khối chân đế vững chắc giúp cho căn biệt thự BT2272 thêm bề thế, uy nghi hơn
Biệt thự BT1539 được tôn cao hơn 1,4m so với mặt đất, ốp gạch ceramic giả đá màu xám thanh lịch để tăng tính thẩm mỹ, sự bề thể cho ngôi nhà
Thiết kế thêm tầng hầm ở phía dưới giúp cho biệt thự BT2153 trở nên đăng đối một cách tuyệt đối
Tầng hầm không chỉ làm cho biệt thự BT2276 trông cao ráo hơn mà còn giúp có thêm không gian cho gara ô tô, phòng ngủ, kho
Xây dựng thêm tầng hầm làm gara ô tô cho biệt thự BT1603 giúp tôn cao các tầng trên, góc view của phòng khách – bếp ăn trở nên lý tưởng tuyệt đối
Tầng hầm của tòa nhà cho thuê này là nơi đặt phòng bảo vệ chung và là nơi chứa các phương tiện đi lại của những người đến đây mua bán, sinh sống
Khối chân đế cao 2,6m so với mặt đất giúp biệt thự BT1640 có thêm không gian cho căn hầm 250m2 bên trong và trông cao, lớn, đồ sộ hơn
Kiến trúc sư An Hưng đã thiết kế thêm tầng hầm phía dưới để tăng thêm diện tích sử dụng công năng và hoàn thiện vẻ đẹp cho biệt thự BT1602
Phía ngoài tầng hầm ốp đá màu xám trắng tự nhiên giúp tăng thêm điểm nhấn và vẻ hoài cổ cho biệt thự BT1332
Tầng bán hầm cao 1,6m so với mặt đất, ốp đá rối đa sắc Lai Châu mang tới vẻ đẹp tự nhiên, giúp tôn cao dáng vẻ bề thế, vững chãi của biệt thự BT2346
Qua trên có thể thấy xây dựng nhà có tầng hầm không phải là chuyện hiếm gặp. Trái lại, tầng hầm còn mang lại cho căn nhà và gia chủ nhiều lợi ích. Quan trọng là phải xây tầng hầm đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng mới phát huy được hết lợi ích này. Vì thế, hãy liên hệ với kiến trúc An Hưng để chúng tôi được đồng hành cùng quý vị làm nên những căn nhà có hầm giàu tính thẩm mỹ, chất lượng và chuẩn kỹ thuật nhất.