Móng nhà là bộ phận quan trọng, trực tiếp chịu tải trọng của căn nhà trên các loại nền đất và đảm bảo độ chắc chắn, vững chắc lâu dài của căn nhà. Vì thế, chi phí làm móng thường cao hơn các bộ phận khác và khi thi công phải tuân theo quy trình nhất định. Vậy chi phí làm móng là bao nhiêu và quy trình như thế nào? Trong bài viết dưới đây, kiến trúc An Hưng sẽ giới thiệu những vấn đề này để quý vị tham khảo.

Phân loại móng nhà

Tùy theo loại móng mà cách làm và quy trình làm móng khác nhau. Dưới đây là các loại móng cơ bản được phân loại theo nhiều tiêu chí:

Phân loại móng nhà theo kết cấu móng

Dựa vào cách tạo nền móng nhà, có thể chia móng nhà làm 2 loại:

  • Móng nhà lắp ghép: Đã thiết kế kết cấu trước, khi cần làm móng nhà chỉ cần chuyển phần kết cấu này đến và lắp ghép lại. Móng kiểu này có chất lượng tốt, độ bền cao nhưng chi phí cao, khó khăn trong việc vận chuyển đến nơi có địa hình xấu.
  • Móng nhà đổ khối: Sử dụng vật liệu như bê tông, đá hộc hoặc bê tông cốt thép và đổ móng ngay tại công trình. Kiểu móng này chắc chắn, có độ bền cao và được sử dụng phổ biến trong xây dựng.
Móng nhà đổ khối được làm ngay tại công trình nên chắc chắn, có độ bền cao
Móng nhà đổ khối được làm ngay tại công trình nên chắc chắn, có độ bền cao

Phân loại móng nhà theo vật liệu xây dựng

Móng nhà có thể làm từ nhiều loại vật liệu khác nhau. Vì thế, căn cứ vào vật liệu làm móng, ta có loại móng sau:

  • Móng bê tông cốt thép: Móng được làm từ bê tông và khung thép nên chắc chắn, tuổi thọ cao, tiết kiệm chi phí và được sử dụng nhiều.
  • Móng bê tông: Chỉ sử dụng bê tông, không có khung thép nên khả năng chịu lực không cao, độ bền kém hơn móng bê tông cốt thép.
  • Móng gạch: Móng có thể được làm bằng gạch nung hoặc không nung. Loại móng này phù hợp với nhà cấp 4 xây gạch, công trình phụ, nhà tạm quy mô nhỏ, xây dựng trên nền đất chắc chắn. Tránh làm móng gạch cho công trình trên nền đất yếu như hồ, ao, đầm, ruộng, nơi ngập nước…
  • Móng đá: Loại đá thường được sử dụng làm móng nhà là đá hộc. Móng nhà bằng đá hộc phù hợp với công trình có quy mô lớn, những nơi có nguồn nguyên liệu sẵn, dễ khai thác như vùng núi để tiết kiệm chi phí vận chuyển.
Móng bê tông cốt thép có độ bền cao mà lại tiết kiệm chi phí nên được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng
Móng bê tông cốt thép có độ bền cao mà lại tiết kiệm chi phí nên được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng

Phân loại móng theo đặc tính tác dụng của tải trọng

Theo đặc tính tác dụng của tải trọng, người ta chia móng nhà làm 2 loại:

  • Móng nhà chịu tải trọng tĩnh: Đây là loại móng thông dụng trong xây dựng dân dụng và công nghiệp. Loại móng này thường dùng cho nhà phố, nhà ống, các công trình công cộng (trường học, bệnh viện…)
  • Móng nhà chịu tải trọng động: Chịu tải trọng tốt, nhất là tải trọng động nhưng chi phí cao. Thường sử dụng ở các công trình có trọng tải lớn, tính dao động cao như công trình cầu, trục cầu, nhà cao tầng và không hợp với nhà ở dân dụng.

Phân loại theo phương pháp làm móng nhà

Theo phương pháp làm móng nhà, có thể chia móng nhà làm hai loại là móng nông và móng sâu.

  • Móng nông: Phù hợp với nền đất cứng, tốt và công trình có trọng tải nhỏ. Móng nông có 3 loại là móng đơn, móng băng và móng bè.
    • Móng đơn: Có thể đứng một mình, có độ chịu  lực ở giới hạn trung bình, thường được sử dụng ở cột điện, chân cầu, nhà 1 – 2 tầng…
    • Móng bè (móng bản): Có kết cấu trải rộng trên toàn bộ mặt công trình, giúp giảm áp lực trên nền đất nên thích hợp với nền đất yếu như ao, hồ, ruộng, cát… hay những công trình cao tầng lớn, có tầng hầm.
    • Móng băng: Dạng một dải dài, độc lập hoặc giao nhau kiểu chữ thập và có độ sâu dưới mặt đất là 1.5-3m, dùng để đỡ tường, hàng cột. Loại móng này có khả năng chịu lực khá tốt, độ lún đều, thi công dễ hơn móng đơn nên thường được sử dụng nhiều nhất.
Móng đơn, móng băng, móng bè phù hợp công trình có trọng tải nhỏ
Móng đơn, móng băng, móng bè phù hợp công trình có trọng tải nhỏ
  • Móng sâu (móng cọc): Sử dụng cọc và cọc đài để tăng độ chịu lực cho móng. Các loại cọc được sử dụng là cọc tre (nền đất ao, bùn) và cọc bê tông cốt thép. Loại móng này có thể chịu được tải trọng lớn trên nền đất tốt và giúp truyền tải trọng của công trình xuống lớp đất nằm sâu bên dưới.

Móng cọc phù hợp với công trình có tải trọng lớn
Móng cọc phù hợp với công trình có tải trọng lớn

Chi phí làm móng nhà & cách tính chi phí

Chi phí xây móng nhà thường được các đơn vị thi công tách riêng ra khi báo giá xây dựng nhà. Biết được cách tính chi phí làm móng nhà sẽ giúp bạn có thể tự tính được chi phí và có bản dự trù kinh phí sát nhất.

Chi phí làm móng nhà

Chi phí làm móng nhà chịu ảnh hưởng của hai yếu tố là diện tích móng nhà và đơn giá xây dựng.

  • Diện tích móng nhà: Tính chất nền đất và thiết kế công trình sẽ ảnh hưởng đến diện tích móng nhà. Đối với công trình bình thường, diện tích xây móng nhà bằng 30 – 50% diện tích mặt sàn tầng một. Còn đối với công trình có tầng hầm, diện tích móng nhà bằng 150-200% diện tích sàn xây dựng.
  • Đơn giá xây dựng: Được tính dựa trên nhân công, vật tư sử dụng khi xây 1m2 nền móng.

Hướng dẫn cách tính chi phí xây móng nhà

  • Móng đơn: chi phí phần móng bằng 20-30% diện tích tầng 1 x đơn giá xây thô
  • Móng băng: chi phí phần móng bằng 50-70% diện tích tầng 1 x đơn giá xây thô (tùy từng độ sâu chôn móng và cấu tạo móng băng)
  • Móng ép cọc (cọc bê tông cốt thép ép tải): chi phí phần móng gồm 2 phần và chi phí thi công cọc và chi phí làm đài – giằng móng. Cụ thể:
    • Chi phí thi công cọc ép: 260-280.000đ/md cọc x chiều dài mỗi cọc x số lượng cọc ép (gồm cọc và nhân công ép)
    • Chi phí phần đài – giằng móng = 20% diện tích tầng 1 x đơn giá xây thô
  • Móng cọc khoan nhồi: chi phí phần móng gồm 2 phần và chi phí thi công cọc và chi phí làm đài – giằng móng. Cụ thể:
    • Chi phí thi công cọc khoan nhồi: 450-460.000đ/md cọc x chiều dài mỗi cọc x số lượng cọc ép (gồm nhân công và vật tư)
    • Chi phí phần đài – giằng móng = 20% diện tích tầng 1 x đơn giá xây thô
  • Công trình thi công móng bè: chi phí phần móng bằng 75% diện tích tầng 1 x đơn giá xây thô.
  • Công trình có tầng hầm: cần bóc dự toán chi tiết

Thời gian làm móng nhà

Thời gian làm móng nhà phụ thuộc vào giải pháp thiết kế và thi công, cụ thể là các yếu tố như điều kiện địa hình, diện tích móng, loại móng, phương án thi công: xây gạch, kè móng…

Hiện nay, hầu hết các công trình đều sử dụng phương pháp làm móng nhà bằng bê tông cốt thép. Với phương pháp này, cần thời gian chuẩn bị trước khi đổ móng, thời gian chờ và bảo dưỡng sau khi đổ móng để bê tông đông cứng đúng kỹ thuật trước khi tháo cốp pha, xây dựng trên nền móng.

Vì thế, nếu xây móng bê tông cốt thép vào mùa hè sẽ mất khoảng 3 – 4 tuần. Còn xây vào mùa đông thì lâu hơn khoảng 1 tuần.

Thời gian làm móng bê tông cốt thép vào mùa hè là 3 – 4 tuần
Thời gian làm móng bê tông cốt thép vào mùa hè là 3 – 4 tuần

Quy trình thi công móng chuẩn nhất

Định vị tim trục, cao độ chuẩn và gửi mốc

Định vị chính xác các tim trục, cột nhà theo bản vẽ thiết kế, gửi trên vách nhà liền kề hoặc cọc gửi mốc ngoài công trình. Thực hiện chính xác theo các trình tự sau:

  • Xác định cao độ + 0.000: so với cao độ chuẩn: từ cao độ chuẩn được CĐT cung cấp cần xác định cao độ + 0.000 so với cao độ này, có thể mượn lên cao một kích thước nào đó so với code + 0.000 cho toàn bộ chu vi mặt bằng ghi lên cọc hoặc vách nhà liền kề và phải giữ cố định không bị di rời, không bị mất trong quá trình thi công.
  • Gửi mốc: Đóng cố định cọc bên ngoài cách các trục 1m ghi nhận cao độ chuẩn quy ước lên cọc hoặc vách nhà liền kề, dùng gỗ đóng lên theo mức độ đó rồi dùng dây căng để lấy góc vuông nhà và định vị các trục theo bản vẽ lên thanh ngang (có thể sơn lên vách nhà liền kề) xong ta căng dây các trục để xác định.
  • Đối với công trình sử dụng ép cọc hoặc khoan nhồi: Đóng cọc để định vị tim cọc trên mặt bằng sau khi thi công ép cọc hoặc khoan nhồi dùng các mốc đã gửi để xác định chu vi, kích thước móng, dầm, giằng bằng cọc hoặc quét vôi lên mặt bằng thi công để thực hiện các công tác tiếp theo.
  • Đối với công trình sử dụng móng băng hoặc móng cốc: Căng dây trên các cọc gửi mốc để xác định chu vi, kích thước móng rồi thực hiện công tác đào, ra cố cừ (nếu cần).

Chú ý: Các mốc gửi phải được giữ nguyên vẹn cho đến khi thực hiện xong công tác bê tông cổ cột và giằng mới tháo dỡ.

Gia cố nền móng

Công trình sử dụng ép cọc bê tông hoặc cọc khoan nhồi:

Sau khi thực hiện định vị tim trục và tim cọc trên mặt bằng thi công thì tùy điều kiện công trình cụ thể để có biện pháp thi công hợp lý, thông thường sẽ tiến hành thi công phần cọc trước rồi đào móng sau. Yêu cầu khi thi công ép cọc, cọc khoan nhồi:

  • Cọc phải đúng vị trí đã định vị, độ sai lệch ≤ 50mm
  • Cọc phải thẳng đứng
  • Độ cao đầu cọc sau khi ép hoặc khoan ≥ độ cao đầu cọc thiết kế.
  • Mối hàn nối cọc phải được hàn liên tục theo đường tiếp xúc của 2 đầu cọc.

Phương án thi công gia cố cừ tràm: Quy trình thực hiện:

  • Kiểm tra kích thước hố móng theo thiết kế.
  • Lắp đặt giàn giáo thi công đóng cọc tràm.
  • Đóng cừ tràm theo nguyên tắc xoáy chôn ốc (từ ngoài vào tâm móng) nếu là móng cốc, móng băng có thể chia làm nhiều đoạn.
  • Từ độ cao mốc đã gửi xác định độ cao đầu cừ sau khi đóng.
  • Tùy theo kích thước móng để phân chia khoảng cách cây cừ cho phù hợp theo thiết kế.

Chú ý: Khi thực hiện công tác này cần sử dụng máy bơm để bơm hết nước khi thi công.

Công trình thi công không gia cố nền: Do địa chất tại công trình đạt cường độ thiết kế nên không phải gia cố nền theo hồ sơ thiết kế. Chúng ta tiến hành đào móng sau khi định vị tim trục và kích thước móng.

Công tác đào móng

Công tác đào móng với công trình không có tầng hầm

Công trình thiết kế dùng móng ép cọc bê tông, cọc khoan nhồi. Nguyên tắc đào: móng sâu đào trước, móng nông đào sau rồi đến dầm, giằng.

  • Bước 1: Từ mốc đã định chúng ta định vị tim trục và kích thước móng trên mặt bằng.
  • Bước 2: Đào móng bằng thủ công theo kích thước và cao độ thiết kế.
  • Bước 3: Định vị và đào đường dầm móng, giằng móng.
  • Bước 4: Đập đầu cọc theo thiết kế

Chú ý: Công tác này cần được thực hiện theo dây truyền xen kẽ với công tác đổ bê tông lót, ván khuôn và các cấu kiện móng, dầm, giằng, sàn tầng 1(nếu có) được đổ bê tông đồng loạt, cần xử lý thực tế để đạt yêu cầu kỹ thuật.

Công trình thiết kế móng băng không gia cố cừ tràm: Tiến hành công tác này bằng thủ công hoặc đào bằng máy trước rồi đào thủ công sau gồm:

  • Bước 1: Từ mốc đã định chúng ta định vị tim trục và kích thước móng trên mặt bằng.
  • Bước 2: Đào móng bằng thủ công theo kích thước và cao độ thiết kế (Hoặc đào bằng máy rồi sửa lại bằng thủ công theo kích thước thiết kế).
  • Bước 3: Lót cát tạo phẳng (nếu cần). Đổ bê tông lót, ván khuôn cốt thép, bê tông móng, cổ móng rồi lấp móng lại.
  • Bước 4: Định vị đào đường, dầm, giằng theo cao độ thiết kế.

Đối với thiết kế móng băng có gia cố cừ tràm: (quy trình đào đất như trên nhưng cần chú ý cao độ đáy móng sâu hơn cao độ thiết kế 100mm để bù đất khi ép cừ đất sẽ lồi lên).

Công trình thiết kế móng cốc không cừ tràm:

  • Bước 1: Từ mốc đã định chúng ta định vị tim trục và kích thước móng trên mặt bằng.
  • Bước 2: Đào móng bằng thủ công theo kích thước và cao độ thiết kế (Hoặc đào bằng máy rồi sửa lại bằng thủ công theo kích thước thiết kế). Khảo sát loại đất để xác định cần mở rộng hoặc taluy móng hay không.
  • Bước 3: Lót cát tạo phẳng (nếu cần). Đổ bê tông lót, ván khuôn cốt thép, bê tông móng, cổ móng rồi lấp móng lại.

Công trình thiết kế móng cốc có gia cố cừ tràm: (quy trình đào đất như trên nhưng cần chú ý cao độ đáy móng sâu hơn cao độ thiết kế 100mm để bù đất khi ép cừ đất sẽ lồi lên).

Công tác đào móng với công trình có tầng hầm

Thực hiện như các bước đào móng với công trình không có tầng hầm nhưng cần chú ý các trường hợp cụ thể như sau:

  • Trường hợp không có công trình xung quanh: Dùng máy đào từ trong ra ngoài đến code đáy hầm và không được sâu hơn cao độ đáy móng sau đó tiến hành các bước như trường hợp không có tầng hầm.
  • Trường hợp có công trình liền kề: Cần khảo sát kỹ công trình liền kề để có phương án thi công phù hợp. Thực hiện biện pháp chống đỡ trước rồi mới cho đào đất.

Phương án thi công chống đỡ vách hầm:

  • Phương án 1: Xây nhà chắn đất phía bên nhà liền kề: Khi độ sâu tầng hầm < 1,8m, địa chất đất tốt nhà liền kề có đất nền tốt và khung bê tông cốt thép chịu lực.
  • Phương án 2: Ép cọc gỗ chống, dùng tôn chắn đất: Áp dụng khi độ sâu tầng hầm < 1,8m, nền đất nhà liền kề yếu
  • Phương án 3: Dùng sắt I chống và thép tấm chắn đất: Khi 1,8m < chiều sâu hầm < 2,5m và nền đất nhà liền kề yếu.

Công tác đệm cát, phủ cừ đã đóng (chỉ dùng khi thực hiện đóng cọc cừ)

Thực hiện theo quy trình sau:

  • Vệ sinh hố móng, múc lớp bùn sao cho thấp hơn đầu cừ 50-100mm, dọn sạch và phẳng đầu cừ theo cao độ thiết kế.
  • Bơm cạn nước rồi dùng cát to phủ lên giữa các đầu cừ sao cho bằng đầu cừ.

Công tác đổ bê tông lót

  • Công trình thiết kế dùng móng ép cọc, cọc khoan nhồi: Kiểm tra kích thước và sao độ đáy móng, dầm, giằng móng. Lấy cao độ mặt bê tông lót móng, dầm móng, giằng móng khi hoàn thiện, trộn vữa bê tông lót móng theo thiết kế và tiến hành đổ bê tông đến cao độ thiết kế.
  • Công trình sử dụng móng cốc, móng băng không đóng cừ: Kiểm tra kích thước và sao độ đáy móng, dầm, giằng móng. Lấy cao độ mặt bê tông lót móng, dầm móng, giằng móng khi hoàn thiện, trộn vữa bê tông lót móng theo thiết kế và tiến hành đổ bê tông đến cao độ thiết kế.
  • Công trình sử dụng móng cốc, móng băng có đóng cừ: Tiến hành thi công sau khi đào móng và đóng cừ như sau:
    • Kiểm tra kích thước và sao độ đáy móng, đầu cừ.
    • Kiểm tra độ sạch của đáy móng, phủ cát đầm chặt sao cho bằng đầu cừ.
    • Lấy cao độ mặt bê tông lót móng, dầm móng, giằng móng khi hoàn thiện, trộn vữa bê tông lót móng theo thiết kế và tiến hành đổ bê tông đến cao độ thiết kế.

Công tác ván khuôn, xây gạch, dầm móng, giằng, hầm thang máy

Với công trình thiết kế ép cọc bê tông hoặc cọc khoan nhồi:

  • Bước 1: Từ mốc đã định chúng ta định vị vị trí móng, dầm, giằng trên mặt bằng
  • Bước 2: Dùng gạch xây làm ván khuôn móng, dầm, giằng móng tùy theo vị trí, chiều dài và độ cao các cấu kiện để xây tường 110 hoặc 220.

Với công trình thiết kế móng cọc, móng băng (nhà dân dụng):

  • Trường hợp 1: Kích thước móng đào lớn hơn nhiều với kích thước thiết kế (đất địa chất yếu).
    • Căn cứ các mốc đã gửi căng dây xác định tim trục, vạch kích thước móng và ván khuôn cần lắp dựng, xác định cao độ các cấu kiện.
    • Lắp đặt cốt thép móng, cột.
    • Dùng chống gỗ, xà gồ, gỗ hộp để giằng giữ ván khuôn.
  • Trường hợp 2: Kích thước móng đào đúng theo kích thước thiết kế: Dùng bạt, bao bọc quanh chu vi móng trước khi đổ bê tông. Chỉ đóng ván khuôn, dầm móng khi dầm móng lớn hơn chiều dài đế móng. Trình tự tiến hành:
    • Căn cứ các mốc đã gửi căng dây xác định tim trục, vạch kích thước móng và ván khuôn cần lắp dựng, xác định cao độ các cấu kiện.
    • Lắp đặt cốt thép móng, cột.
    • NOTE: Công tác ván khuôn và công tác cốt thép phải được nghiệm thu bằng văn bản trước khi thực hiện đổ bê tông (Nghiệm thu cụ thể số lượng cây thép, đường kính thép, quy cách lắp dựng, mối nối… theo đúng thiết kế-chỉ cụ thể từng vị trí cho CĐT).

Công tác gia công lắp dựng cốt thép dầm, giằng móng, nền

  • Công tác này được lắp dựng 1 lượt và đổ bê tông 1 lần như sau:
    • Bước 1: Gia công cốt thép: Đúng kích thước, đường kính, góc… theo thiết kế.
    • Bước 2: Lắp dựng cốt thép: Kiểm tra ván khuôn, giàn giáo. Khi lắp dụng cốt thép các cấu kiện phải đúng vị trí, chúng loại, số lượng theo bản vẽ thiết kế.
  • Công tác gia công lắp dựng cốt thép móng, dầm, giằng móng, nền (Công trình thiết kế móng băng, móng cốc): Đối với thiết kế móng băng, móng cốc các cấu kiện được thực hiện riêng rẽ và cũng được thực hiện theo 2 bước như trên.

Công tác đổ bê tông móng, dầm móng, giằng móng, thang máy và nền sàn tầng 1 hoặc sàn tầng hầm

Công trình thiết kế móng ép cọc, cọc khoan nhồi: các cấu kiện trên được đổ 1 lần như sau:

  • Kiểm tra các cấu kiện về ván khuôn, cốt thép, lập biên bản nghiệm thu có chữ ký của các bên.
  • Vệ sinh ván khuôn, cốt thép, tưới nước trước khi đổ bê tông.
  • Tiến hành đổ bê tông theo nguyên tắc sau trước nông sâu, xa trước gần sau. Đầm dùi bằng máy tất cả các vị trí, chà phẳng mặt bê tông sau khi đổ.
  • Bảo dưỡng bê tông sau khi đổ 12h và bảo dưỡng liên tục 4 ngày, mỗi ngày 2 lần nếu thời tiết nắng ráo.

Đối với công trình thiết kế móng cọc, móng băng: Các cấu kiện được thực hiện từng phần theo thứ tự: Móng => cổ móng => dầm, giằng => sàn. Mỗi cấu kiện phải được thực hiện từ cốt thép => Ván khuôn => bê tông.

Chú ý: Mỗi công đoạn đều phải được nghiệm thu thì mới tiến hành các công đoạn tiếp theo.

Những sai lầm thường gặp khi thi công móng

Khi thiết kế và thi công móng, đội ngũ thi công thường mắc phải các lỗi ảnh hưởng đến chất lượng, độ bền và tính thẩm mỹ của công trình như:

  • Không khảo sát địa chất: Việc không khảo sát địa chất sẽ tiết kiệm chi phí tương đối cho chủ đầu tư xây dựng nhà nhỏ lẻ. Tuy nhiên, mọi tính toán tải trọng dựa trên điều kiện giả định của nền đất nên khi thi công cần chú ý kết hợp với hiện trạng lớp đất thực tế ở chiều sâu chôn móng thiết kế để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.
  • Không có hồ sơ thiết kế công trình: Việc không có hồ sơ thiết kế, thi công theo kinh nghiệm sẽ rất dễ dẫn đến làm sai kết cấu, sai quy cách lắp dựng thép. Những vị trí cần tăng cường thì lại tiết kiệm thép hoặc ngược lại…  ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức chịu tải của nền móng hoặc thừa thãi lãng phí vật tư quá nhiều.
  • Lựa chọn sai kích thước, chủng loại vật liệu làm móng nhà: Mỗi vị trí sẽ yêu cầu những loại vật liệu khác nhau như kích thước thép, số lượng, loại cọc bê tông, loại đá, cát… Vì thế, khi lựa chọn vật liệu làm móng cần tuân thủ đúng hồ sơ thiết kế.
  • Thợ thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm: Đội ngũ thợ thiếu kỹ thuật và kinh nghiệm có thể làm móng chậm và kết cấu nền móng không đúng thiết kế dẫn đến chất lượng móng không đảm bảo.

Những lưu ý quan trọng khi làm móng nhà

Để có thể làm được móng nhà phù hợp, đúng chuẩn kỹ thuật, bền chắc, bạn cần phải lưu ý những điều sau:

  • Khảo sát địa chất làm cơ sở tính toán xác định loại móng phù hợp: Trước khi thiết kế, chủ đầu tư cần cung cấp hồ sơ khảo sát địa chất của công trình để làm cơ sở cho đơn vị thiết kế – thi công tính toán và đưa ra phương án thi công móng chính xác nhất, phù hợp nhất.
  • Lựa chọn vật liệu làm móng nhà phù hợp: Bạn nên chọn loại vật liệu làm móng chất lượng, phù hợp với địa chất và phương án thi công, tránh ham rẻ để đảm bảo độ vững chắc của móng.
  • Thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật: Trước tiên, bạn cần lựa chọn đơn vị  thiết kế uy tín, sau đó là đội ngũ thi công cần đảm bảo thực hiện đúng quy trình, quy chuẩn xây dựng và tuân thủ theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
  • Lựa chọn đúng đơn vị thi công chuyên nghiệp – uy tín: Đơn vị thi công chất lượng bao giờ cũng khảo sát địa chất đất kỹ càng, đưa ra phương án làm móng tối ưu nhất, thực hiện đúng quy trình, kỹ thuật để móng luôn bền, chắc và đảm bảo chất lượng cho cả công trình.
Thợ làm móng đúng quy trình, kỹ thuật thì móng nhà mới bền chắc
Thợ làm móng đúng quy trình, kỹ thuật thì móng nhà mới bền chắc

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về móng nhà – một bộ phận quan trọng, biết cách tính chi phí và có thể tham gia vào quá trình giám sát thi công để có căn nhà chất lượng, an toàn nhất.

Nếu quý vị cần chúng tôi tư vấn cụ thể cho công trình nhà mình, hãy liên hệ với đội ngũ Kiến trúc sư tư vấn của An Hưng ngay hôm nay!

Chia sẻ ngay

NHẬN MẪU NHÀ VÀ DỰ TOÁN THI CÔNG MIỄN PHÍ

    Lightbox Button