Cột là chi tiết kiến trúc không thể thiếu của mỗi căn nhà. Chi tiết kiến trúc này vừa giúp tăng tính thẩm mỹ vừa đảm bảo sự vững chãi của căn nhà. Chính vì thế, trong bài viết này, kiến trúc An Hưng sẽ giới thiệu về vai trò, chức năng của cột nhà, những lưu ý khi xây dựng để các gia chủ có thêm kiến thức thiết yếu trước khi xây dựng nhà.

Vai trò và chức năng của cột nhà trong thiết kế biệt thự

Cột nhà là chi tiết kiến trúc và kỹ thuật cấu trúc của ngôi nhà, phát triển theo chiều dọc và thường có hình vuông hoặc hình tròn. Đây là một chi tiết kiến trúc giữ vai trò quan trọng trong thiết kế biệt thự, thể hiện ở:

  • Đảm bảo sự vững chắc của biệt thự: Cột nhà là một trong những bộ phận chịu lực chính, nằm trong kết cấu chịu lực của biệt thự.
    • Chịu lực đứng: Cột cùng móng tạo nên nền tảng vững chắc, kết cấu chịu lực chắc chắn chống lại các lực từ phía trên ép xuống và nâng đỡ cho biệt thự.
    • Chịu lực ngang: Cột trụ có tác dụng chịu lực xô ngang do tải trọng của gió sinh ra tác động đến biệt thự.
  • Tăng tính thẩm mỹ cho công trình: Cột nhà thường có hình dáng, hoa văn, họa tiết trang trí khác nhau. Vì thế, cột còn được sử dụng như một chi tiết trang trí, góp phần tạo ra vẻ đẹp hài hòa, ấn tượng cho không gian và hoàn thiện vẻ đẹp thẩm mỹ của biệt thự.

Chính vì giữ vai trò quan trọng như vậy nên cột là một bộ phận không thể thiếu trong kiến trúc biệt thự.

Biệt thự tân cổ điển 2 tầng sang trọng – BT2322
Biệt thự tân cổ điển 2 tầng sang trọng – BT2322

Phân loại các hình thức, kiến trúc cột phổ biến hiện nay

Cột nhà có nhiều hình dáng, kiến trúc và được làm từ nhiều loại chất liệu, sử dụng ở các vị trí khác nhau của biệt thự. Chính vì thế, có thể phân loại cột theo nhiều tiêu chí khác nhau như:

Phân loại cột theo hình dáng

Cột trụ có nhiều kiểu dáng khác nhau nhưng nhìn chung có hai hình dáng chính là vuông và tròn.

Cột vuông

Cột vuông giúp mang lại vẻ đẹp khỏe khoắn, vững chãi cho công trình. Cột vuông được sử dụng rộng rãi trong các hình thức kiến trúc từ cổ điển, tân cổ điển cho đến kiến trúc hiện đại. Cột vuông có biện pháp thi công đơn giản hơn cột tròn nên không đòi hỏi tay nghề quá cao của người thợ xây dựng.

Căn biệt thự mái thái đỏ nổi bật trên nền tường sơn màu nhã nhặn
Căn biệt thự mái thái đỏ nổi bật trên nền tường sơn màu nhã nhặn

Cột trụ tròn

Cột trụ tròn là loại cột có hình dáng tròn, giúp mang lại vẻ đẹp mềm mại cho công trình. Loại cột này hay được trang trí bằng nhiều phào chỉ, hoa văn cầu kỳ, phức tạp. Vì thế cột tròn được ưa chuộng sử dụng ở biệt thự cổ điển, tân cổ điển hay những công trình thiên về vẻ đẹp mềm mại, uyển chuyển.

Việc thi công cột trụ tròn đòi hỏi tay nghề của thợ thi công cao hơn cột vuông. Hơn nữa, hình trụ tròn là kết cấu khỏe nhất giúp dàn đều lực nén lên toàn bộ bề mặt vật liệu và không có điểm yếu. Cột trụ tròn giúp công trình có thể chịu tốt sức nặng của toàn bộ kết cấu mái, sàn… ở phía trên.

Mẫu biệt thự tân cổ điển 3 tầng đẹp tinh tế đến từng chi tiết
Mẫu biệt thự tân cổ điển 3 tầng đẹp tinh tế đến từng chi tiết

Phân loại cột theo kiến trúc

Theo kiến trúc, cột nhà thường làm theo ba loại thức cột là Doric, Ionic, Corinthian

Thức cột Doric

Thức cột Doric là thức cột ra đời sớm nhất và có thiết kế đơn giản nhất trong ba loại thức cột. Thức cột này ra đời từ thế kỷ VII trước Công nguyên và được hoàn thiện vào thế kỷ V trước Công nguyên. Thức cột này được sử dụng ở đền Parthenon và đền Popylaea, Hy Lạp, tầng cuối cùng tại đấu trường Colosseum (La Mã)…

Đặc điểm nổi bật của thức cột Doric là:

  • Cột lấy cảm hứng từ kết cấu gỗ với sự mô phỏng về cấu trúc, tái hiện lại chi tiết vật liệu gỗ vào đá.
  • Cột bao gồm một đỉnh và một trục, không có bệ
  • Đầu cột được thiết kế đơn giản mạnh mẽ, chắc chắn. Phần đầu cột này có mũ cột là một tấm vuông phía trên và một mũ đỡ cong vành khăn ở phía dưới.
  • Dầm ngang được đặt trực tiếp lên đầu cột, liên kết với đầu cột để tạo thành một khung cứng và đỡ băng ngang có nhiều trang trí.
  • Thân cột có 20 đường rãnh chạy song song
  • Đáy cột phình to dần. Phần đáy kết thúc của đường rãnh loe to ra hơn so với thân cột.
  • Tỷ lệ đường kính cột so với chiều cao cột ban đầu là 1:4. Từ nửa sau thế kỷ VI trước Công nguyên, người Hy Lạp điều chỉnh tỷ lệ này thành là 1:5 đến 1:6

Cột Doric có khả năng chịu lực cao nhất. Vì thế, loại cột này thường được sử dụng ở các tầng dưới cùng của biệt thự, là nơi cần chịu tải trọng lớn nhất cho toàn bộ công trình.

Thức cột Doric thiết kế đơn giản, mang dáng vẻ khỏe khoắn và có khả năng chịu lực cao nhất
Thức cột Doric thiết kế đơn giản, mang dáng vẻ khỏe khoắn và có khả năng chịu lực cao nhất

Thức cột Ionic

Cột Ionic (còn gọi là Lonic) ra đời từ thế kỷ VI trước Công nguyên và được sử dụng nhiều từ thế kỷ V trước Công nguyên. Thức cột Ionic nổi bật với các đặc điểm sau:

  • Dáng cột thanh mảnh hơn thức cột Doric
  • Cột được đạt trên phần đế có bệ đỡ
  • Đầu cột có hình đệm nhỏ và được trang trí bằng gờ chỉ, có 2 vòng xoắn ốc giống như cuộn (volute). Phần cuốn ốc này được bắt đầu trên một mặt phẳng và cuốn cong ra phía ngoài ở các góc. Vào thế kỉ XVI, nhà kiến trúc sư – nhà lý thuyết kiến trúc người Italia tên là Vincenzo Scamozzi đã sáng tạo và kết hợp bốn vòng cuốn xoắn ốc trên đầu cột. Về sau, phiên bản này trở nên phổ biến hơn cả thức cột nguyên bản.
  • Bên cạnh phần xoắn ốc, đầu cột còn có các họa tiết chìm sinh động, xen kẽ nhau một cách đồng đều.
  • Các dầm ngang của cột được phân vị theo chiều ngang thành ba dải
  • Thân cột có 24 rãnh chạy song song
  • Tỷ lệ đường kính cột so với chiều cao cột là 1:9

Người quan sát có thể nhìn thấy cột Ionic từ tất cả các mặt đứng hoặc mặt bên mà không phân định được mặt trước và mặt sau. Cột Ionic mang vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng được ví như vẻ đẹp của người phụ nữ. So với thức cột Doric, cột Ionic có tính trang trí nhiều hơn.

Thức cột Lonic có hoa văn xoắn ốc đầu cột, mang vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng
Thức cột Lonic có hoa văn xoắn ốc đầu cột, mang vẻ đẹp mềm mại, duyên dáng

Thức cột Corinthian

Cột Corinthian ra đời muộn nhất trong ba loại thức cột, do kiến trúc sư Callimachus sáng tạo ra vào khoảng thế kỷ V trước Công nguyên. Dù có nguồn gốc từ Hy Lạp nhưng thức cột này lại được sử dụng nhiều trong kiến trúc La Mã.

Đặc điểm nổi bật của thức cột Corinthian như sau:

  • Đầu cột trang trí các họa tiết hoa lá cầu kỳ, thường là các lá phiến thảo, ô rô, hình xoắn ốc đậm chất thiên nhiên nên trông như một lẵng hoa có mấy tầng là phiên thảo diệp.
  • Thân cột có các đường rãnh chạy song song
  • Phần đế cột có bệ đỡ kiêu sa và kỳ vĩ, phù hợp với các lâu đài cổ điển tráng lệ
  • Tỷ lệ giữa đường kính đầu cột và chiều cao của cột là 1:10
  • Thức cột thường được chia làm hai loại là cột Corinthian La Mã và cột Corinthian Renaissance

Trong ba loại cột, cột Corinthian được thiết kế tỉ mỉ, công phu, nhiều chi tiết nhất với các đường nét mảnh mai, giàu tính chất trang trí. Cột có tính đối xứng nhiều chiều nên có thể dễ dàng cảm nhận được vẻ đẹp từ mọi phía. Cột Corinthian mang vẻ đẹp hoa mỹ, tinh tế, và được ví như vẻ đẹp dịu dàng, thanh khiết của người con gái.

Thức cột Corinthian trang trí hoa lá cầu kỳ nơi đầu cột, mang vẻ đẹp hoa mỹ
Thức cột Corinthian trang trí hoa lá cầu kỳ nơi đầu cột, mang vẻ đẹp hoa mỹ

Phân loại cột theo vị trí sử dụng

Căn cứ vào vị trí sử dụng, có thể chia cột làm hai loại là cột sảnh và cột trong nhà. Tùy theo vị trí sử dụng mà cách trang trí của mỗi loại cột cũng khác nhau.

Cột sảnh

Cột sảnh là cột nằm ở vị trí tiền sảnh hoặc sảnh phụ. Cột sảnh có vai trò mang lại tính thẩm mỹ, bề thế cho biệt thự và tạo ra sự bắt mắt, thu hút quan khách ngay từ lần đầu tiếp xúc. Đồng thời, cột sảnh cũng có tác dụng chịu lực cho khu vực sảnh.

Thường thì người ta sẽ đắp thêm hoa văn, phào chỉ cho cột sảnh trong kiến trúc cổ điển, tân cổ điển và ốp đá cho cột sảnh trong kiến trúc hiện đại để tăng thêm vẻ đẹp sang trọng, trang nhã, lịch sự và sự xa hoa cho không gian sảnh.

Tùy vào kiến trúc của biệt thự mà các kiến trúc sư có thể sử dụng cột sảnh đơn hoặc cột sảnh kép.

Hàng cột sảnh kép được trang trí cầu kỳ, tinh xảo mang tới vẻ đẹp thu hút, ấn tượng cho phần tiền sảnh biệt thự

Thiết kế biệt thự mái Nhật 3 tầng phong cách tân cổ điển sang trọng
Thiết kế biệt thự mái Nhật 3 tầng phong cách tân cổ điển sang trọng

Cột trong nhà

Đối với biệt thự mini, các kiến trúc sư thường không sử dụng cột trong nhà để tạo cảm giác thông thoáng cho không giang.

Tuy nhiên, đối với các căn biệt thự lớn, mặt tiền rộng thì việc bố trí thêm cột trong nhà để đảm bảo kết cấu chịu lực là việc không thể thiếu. Tuy nhiên, cần có giải pháp thiết kế tối ưu để những vị trí cột chịu lực trong nhà này trở thành cột trang trí cho không gian nội thất.

Hệ cột chịu lực cùng với hệ cột PU trang trí tạo nên tính thẩm mỹ riêng có cho không gian sảnh - khách và phòng ăn của biệt thự
Hệ cột chịu lực cùng với hệ cột PU trang trí tạo nên tính thẩm mỹ riêng có cho không gian sảnh – khách và phòng ăn của biệt thự

Phân loại cột theo vật liệu

Cột có thể làm từ nhiều vật liệu khác nhau như bê tông cốt thép, cột gỗ, PU… Vì thế, có thể phân chia cột nhà thành ba loại sau:

Cột bê tông cốt thép

Cột bê tông cốt thép được làm từ bê tông và thép nên có khả năng chịu lực uốn tốt, cả lực kéo và lực nén.

Cột bê tông cốt thép thường được liên kết với dầm để tạo thành hệ khung cột chắc chắn trong kết cấu chịu lực của biệt thự. Và loại cột này được sử dụng ở các vị trí chịu trọng tải của công trình.

Cột gỗ

Cột gỗ được làm từ gỗ tự nhiên. Chân cột có thể được liên kế bằng thép, chôn sẵn trong bê tông làm móng.

Cột gỗ thường được sử dụng với tính chất trang trí trong biệt thự tân cổ điển hoặc cổ điển. Hoặc được sử dụng với tính chất chịu lực trong các hình thức kiến trúc truyền thống như nhà 3 gian hoặc 5 gian bắc bộ,  đình, chùa, đền, nhà thờ…

Cột gỗ với hoa văn, họa tiết cầu kỳ được sử dụng để trang trí cho các không gian trong biệt thự
Cột gỗ với hoa văn, họa tiết cầu kỳ được sử dụng để trang trí cho các không gian trong biệt thự

Những lưu ý khi thi công cột nhà, biệt thự

Với mỗi hình thức cột, cần có những lưu ý riêng khi thi công  vì vậy bạn cần phải chú ý những điều cơ bản sau:

  • Chuẩn bị trước hồ sơ thiết kế: Trong hồ sơ thiết kế sẽ ghi rõ số lượng cột, vật tư sử dụng, thống kê các loại cột và thể hiện rõ vị trí các loại cột trong bản vẽ thiết kế. Từ đó, đội ngũ thi công có thể làm theo, đảm bảo đúng số lượng cột, kích thước cột và các chi tiết trang trí theo  yêu cầu.
  • Chú ý với những cột chịu lực và cột trang trí: Cần xác định rõ thành phần chịu lực của cột và thành phần trang trí thêm để có biện pháp thi công hợp lý, tiết kiệm: phần nào cần đổ bê tông cốt thép phần nào xây gạch tạo hình khối cho cột theo đúng thiết kế được duyệt. Cần chú trọng tuân thủ các chỉ dẫn trong bản thiết kế, các yếu tố kỹ thuật của cột như kích thước, kết cấu, hình dáng kiến trúc, tỷ lệ, vật liệu…
  • Ưu tiên hạng mục thi công cột nhà: Cần xây cột (xây bù theo kích thước kiến trúc), trát cột trước rồi mới làm các công đoạn khác để đảm bảo sự chắc chắn của biệt thự và có thể theo dõi được các hiện tượng bất thường xảy ra.
  • Bề mặt cột sau khi hoàn thiện phải đạt chất lượng: Bề mặt cột phải sạch, phẳng, mịn . Các chi tiết trên cột như chân đế, phào chỉ, hoa văn, hình dáng, độ cong, tròn… cần đạt đúng tỉ lệ như bản vẽ kỹ thuật. Chi tiết tinh xảo, đường chỉ phẳng thẳng, đường nét hoa văn sắc gọn.
Hình dáng, kích thước và chi tiết của cột phải đảm bảo đúng tỉ lệ mới tạo nên một công trình hoàn mỹ.
Hình dáng, kích thước và chi tiết của cột phải đảm bảo đúng tỉ lệ mới tạo nên một công trình hoàn mỹ.

Trên đây là những kiến thức cơ bản về các loại hình thức cột cơ bản. Những thông tin này có thể giúp bạn dễ dàng hiểu rõ hơn về hình thái kiến trúc và có thể nhận định được đâu là tác phẩm kiến trúc thực thụ, đánh giá – cảm nhận được vẻ đẹp riêng của từng công trình.

Tuy nhiên, việc lựa chọn các loại cột nhà, số lượng, vị trí sử dụng và thức cột nào cho đẹp, hoàn hảo, phù hợp với tổng thể kiến trúc chung của biệt thự không phải là việc làm đơn giản. Chính vì thế, bạn cần lựa chọn những đơn vị thiết kế uy tín, có đội ngũ kiến trúc sư giàu kinh nghiệm trong việc xử lý không gian, hình khối kiến trúc và đơn vị thi công chất lượng, có đội ngũ nhân công tay nghề cao.

Tất cả những điều này, bạn đều có thể cảm nhận đánh giá qua các sản phẩm thiết kế – thi công trọn gói của  kiến trúc An Hưng. Vì thế, hãy liên hệ ngay với chúng tôi khi có nhu cầu thiết kế – thi công biệt thự.

Chia sẻ ngay

NHẬN MẪU NHÀ VÀ DỰ TOÁN THI CÔNG MIỄN PHÍ

    Lightbox Button